Chân dung nhà tình báo anh hùng - thiếu tướng Huỳnh Huề
(CATP) Thiếu tướng Huỳnh Huề (bí danh Ba Hoàng) - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. _ Thứ bảy, 29/05/2010 07:10
TIẾN VÀO ”ĐẦU NÃO” ĐỊCH
Thiếu tướng Huỳnh Huề (SN 1951), quê xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang - Đà Nẵng. Tháng 1-1966, lúc mới 15 tuổi anh đã tham gia đoàn thanh niên T7 thuộc Đảng ủy Hoàng Văn Thụ. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng anh sớm bộc lộ tinh thần yêu nước quả cảm, lại có cha là cán bộ Thành ủy hoạt động cách mạng tích cực nên anh được tổ chức tin tưởng, phân công làm liên lạc và bảo vệ. Sau Tết Mậu Thân 1968, hàng loạt cơ sở cách mạng bị địch đánh phá dữ dội, nhiều cơ sở bị địch bắt bớ tra tấn dã man, trong đó cha của anh cũng bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Trước tình hình đó, cấp trên đã cử anh cùng một số đồng chí khác vào Sài Gòn để hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên với vỏ bọc là một thanh niên từ Đà Nẵng vào Sài Gòn học. Anh trở thành Phó chủ tịch Hội sinh viên Quảng Đà, tổ chức nhiều cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Nhiệm vụ đặt ra cho anh lúc này là phải nhanh chóng xây dựng những người có cảm tình với cách mạng, có khả năng, tình cảm, ý thức dân tộc để xây dựng thành cơ sở điệp báo khi thời cơ đến.
Tháng 5-1972, anh Ba Hoàng (bí danh của thiếu tướng Huỳnh Huề) chính thức được hoạt động trong lực lượng An ninh T4 do đồng chí Trần Quốc Hương (tức Mười Hương) - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban nội chính Trung ương, lúc đó là Phó bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn - Gia Định làm Trưởng Ban an ninh T4 và đồng chí Lê Thanh Vân (tức Sáu Ngọc) - sau này là Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh làm phó ban. Đây là đơn vị hoạt động điệp báo, lấy bí số Cụm A10. Đồng chí Mười Thắng (tên thật là Nguyễn Minh Trí, hiện là luật sư tại TP. Hồ Chí Minh) làm Cụm trưởng. Các anh Ba Hoàng, Hai Phương (Trần Thiếu Bảo), Năm Quang (Nguyễn Hữu Khánh Duy) là các Cụm phó phụ trách ba nhóm F3, F1, F2. Nhiệm vụ của Cụm A10 là xây dựng lực lượng điệp báo bí mật, tổ chức thu thập và báo cáo kịp thời các tin tức tình hình, ý đồ tổ chức của địch phục vụ công tác phản gián, tình báo chiến lược kết hợp xây dựng các “lõm chính trị” phục vụ yêu cầu của cách mạng, góp phần làm tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào ở đô thị, tấn công chính trị nhằm vào các giới ở Sài Gòn; đặc biệt là nhóm Dương Văn Minh và gây ảnh hưởng đối với các nhân vật chính trị có khả năng là con bài của Mỹ, chi phối thế lực đối lập. Nhiệm vụ của đồng chí Ba Hoàng lúc đó vừa hoạt động nội đô, vừa xây dựng cơ sở bí mật, nắm tình hình để báo về lãnh đạo An ninh T4. Thành tích đặc biệt xuất sắc của anh thời kỳ này chính là việc anh đã xây dựng và chỉ huy được mạng lưới cơ sở điệp báo “chui sâu leo cao” trong các cơ quan chóp bu ngụy quyền.
Một trong số cơ sở điệp báo nổi bật mà đồng chí Ba Hoàng xây dựng được là anh Ngô Văn Dũng (tức Ba Hùng, hiện là Phó bí thư, Chủ tịch HĐND quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Anh Ba Dũng là kỹ sư tốt nghiệp Đại học Nông Lâm súc năm 1972. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ba Hoàng, anh Dũng thi tuyển và được bố trí vào Văn phòng Phủ thủ tướng (đặc trách kinh tế) ngụy quyền Sài Gòn và trở thành Trợ lý Phó thủ tướng. Bằng sự mưu trí, anh Dũng lấy được nhiều tài liệu có giá trị thông tin quan trọng về tình hình kinh tế, quốc phòng của chế độ Sài Gòn. Từ đó, lãnh đạo An ninh T4 có cơ sở đánh giá thế mạnh, yếu của kẻ địch, phục vụ cho yêu cầu cách mạng lúc bấy giờ. Đồng chí Ba Hoàng trực tiếp xây dựng cơ sở điệp báo gồm các anh Lương Mạnh Dũng (tức Ba Cường), Bùi Sáu (Ba Linh), Lê Ngọc Sáu là các kỹ sư điện, điện tử tốt nghiệp Học viện Quốc gia kỹ thuật Phú Thọ đi vào cơ quan tình báo kỹ thuật của Mỹ CDEC (Combined Document Exploitation Center - Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp) thuộc phòng 7 của Nha kỹ thuật Bộ tham mưu ngụy. Qua đó thu nhiều tin tức tình báo đặc biệt quan trọng về âm mưu, chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam, kịp thời báo cáo cấp trên để có các quyết sách đúng đắn, góp phần vào thắng lợi cách mạng miền Nam. Hiện nay, các anh này đều là đảng viên. Anh Lương Mạnh Dũng là Phó bí thư, Phó giám đốc truyền tải điện Khu vực III từ Quảng Bình vào Gia Lai. Hai anh Ba Linh, Lê Ngọc Sáu đều công tác tại Công ty lắp máy INCO Bộ Công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, anh Ba Linh đã mất vì đột quỵ.
Còn nhiều cơ sở khác của đồng chí Ba Hoàng đáng được ghi nhận đó là các anh Huỳnh Ngọc Thắng (H10), Phạm Văn Lộc (tức Ba Sinh). H10 là cơ sở điệp báo nội tuyến ở Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn, có nhiệm vụ nắm tình hình phục vụ cuộc Tổng tấn công giải phóng Sài Gòn 30-4-1975. Vào thời khắc lịch sử, chính anh Ba Sinh đã góp phần cắt đứt thông tin liên lạc của địch tại Trung tâm bưu điện Sài Gòn (gần nhà thờ Đức Bà) phục vụ cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Ngoài ra, đồng chí Ba Hoàng còn phát triển được hàng chục cơ sở vừa nội tuyến, giao liên, hộp thư, cơ sở ngoại vi và một số căn cứ “lõm chính trị” như khu Bàu Cát, Bảy Hiền do Võ Vân (Ba Vũ, hiện là Phó văn phòng Sở giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh) phụ trách; khu ấp Tây 2 Phú Nhuận do ông Võ Văn Chín (Chín Thanh) phụ trách. Từ đây, anh nắm được rất nhiều thông tin quan trọng về tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng của ngụy quyền Sài Gòn để báo lãnh đạo An ninh T4. Không ít lần từ vùng đất Sài Gòn - Gia Định bị địch chiếm đóng đi vào căn cứ, anh Ba Hoàng bị địch bao vây và thoát được chỉ trong gang tấc...
Cựu cán bộ A10 và đồng chí Mười Hương (anh Mười Thắng, anh Hai Phương, anh Ba Hoàng)
ĐƯA ”HỌA SĨ ỚT” VÀO CỤM TÌNH BÁO A10
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) và Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc), một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cụm điệp báo A10 là phải tiếp cận, tổ chức xây dựng cơ sở, nắm tình hình và chi phối số nhân vật trong nhóm lực lượng thân với Dương Văn Minh, tìm cách tác động nhóm này thay thế Nguyễn Văn Thiệu, tạo thuận lợi cho cách mạng khi thời cơ đến. Cụm A10 có nhiệm vụ tìm đầu mối có thể đi vào nhóm này. Người được đồng chí Mười Hương “chọn mặt gửi vàng” là anh Huỳnh Bá Thành (bí danh Ba Trung, họa sĩ Ớt, cán bộ nằm vùng của An ninh T4 trong giới báo chí Sài Gòn) - cố Tổng biên tập Báo Công an TPHCM. Đồng chí Ba Hoàng được giao nhiệm vụ trực tiếp bí mật kiểm tra, đánh giá về anh Huỳnh Bá Thành trước khi anh gia nhập để trở thành thành viên đặc biệt của Cụm điệp báo A10. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, anh Ba Hoàng từ căn cứ Thanh An (bên kia sông Sài Gòn, nay thuộc tỉnh Bình Dương) về nội thành, đến tòa soạn báo Điện tín nằm trên đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 1, nơi anh Huỳnh Bá Thành đang làm giám đốc kỹ thuật) suốt hai tháng ròng để kiểm tra toàn bộ các mối quan hệ của anh Huỳnh Bá Thành. Từ quan hệ trong giới báo chí đến các mối quan hệ với các nhân vật chính trị, xác định anh có bị lộ hoặc khả năng bị địch theo dõi hay không. Sau một thời gian, anh Ba Hoàng nhận thấy anh Huỳnh Bá Thành có một vị trí công tác rất thuận lợi, có khả năng phát triển tốt cho công tác điệp báo để nắm tình hình và tiếp cận, tác động số thân cận của Dương Văn Minh. Anh Ba Hoàng báo cáo suy nghĩ, nhận xét của mình với đồng chí Cụm trưởng Mười Thắng và đồng chí Mười Hương. Sau đó, đồng chí Mười Hương quyết định đưa anh Huỳnh Bá Thành vào Cụm điệp báo A10. Thực hiện chỉ đạo của Ban an ninh T4, họa sĩ Ớt (Huỳnh Bá Thành) đã ký họa, ký sự hàng trăm nhân vật trên báo Điện tín, vừa nhằm lôi kéo, phân hóa trong nội bộ địch, đồng thời đó cũng là nguồn thông tin tình báo để phục vụ nghiên cứu nội bộ địch để ta thực hiện các đối sách thích hợp. Thành tích nổi bật mang ý nghĩa lịch sử của anh Huỳnh Bá Thành là việc anh trực tiếp nắm tình hình và tác động nhóm thân cận Dương Văn Minh, tác động để ông Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn trước khi tuyên bố đầu hàng không điều kiện, góp phần cho đại quân ta tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn, giữ nguyên vẹn thành phố Sài Gòn trong ngày chiến thắng 30-4-1975.
Thiếu tướng Huỳnh Huề cùng Phu nhân - người đồng chí trong Cụm điệp báo A10
TÌNH YÊU VÀ NHIỆM VỤ SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT
Vợ của thiếu tướng Huỳnh Huề là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Ba Hương) nay là thượng tá công an hưu trí cũng từng là một giao liên của A10. Bà tham gia cách mạng từ năm 1973 khi còn là một sinh viên vừa đi học vừa đi làm thư ký văn phòng luật sư, có nhiệm vụ nhận tài liệu, chỉ đạo của lãnh đạo từ đường dây giao liên đưa lên chuyển cho đồâng chí Hai Phương (Cụm phó A10). Mặc dù cùng hoạt động trong Cụm điệp báo A10 nhưng vì yếu tố bí mật, thiếu tướng Huỳnh Huề và bà Mỹ Hạnh không hề biết nhau. Sau ngày giải phóng, họ nên duyên chồng vợ, có hai con (một trai, một gái) đều đã trưởng thành.
Sau năm 1975, đất nước được hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đồng chí Huỳnh Huề sau đó lấy bằng Thạc sĩ Luật điều tra tội phạm Học viện An ninh nhân dân, công tác tại Công an TP. Hồ Chí Minh và Tổng cục An ninh - Bộ Công an, kinh qua các chức vụ lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ an ninh như: Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Cục phó Cục bảo vệ chính trị, Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc - Tổng cục An ninh - Bộ Công an, Giám đốc CA tỉnh Đăk Lăk. Các đơn vị này được Đảng, Nhà nước tuyên dương những danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Công an. Tháng 4-2007, đồng chí Huỳnh Huề được phong hàm thiếu tướng và hiện là Giám đốc CA tỉnh Đăk Lăk. Nay lại vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp, hy sinh suốt 38 năm qua của một chiến sĩ, một vị tướng của lực lượng CAND.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.