Huỳnh Huề_Vị Tướng giữa đại ngàn Tây nguyên…

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Chuyên Viên Đặc nhiệm_Kỳ 4: Hy vọng mong manh của Nguyễn Văn Thiệu

Cập nhật lúc 15:25, Thứ Bảy, 22/05/2010 (GMT+7)
NHỮNG CUỘC CHIẾN ĐẤU THẦM LẶNG TRONG LÒNG ĐỊCH 
Kỳ 4: Hy vọng mong manh của Nguyễn Văn Thiệu
Sau Hiệp định Paris, Mỹ rút quân, cắt viện trợ, chế độ ngụy quyền Sài Gòn rơi vào thế nguy nan. Tuy nhiên, có vẻ như Nguyễn Văn Thiệu vẫn cố gắng kéo Mỹ quay trở lại vũng lầy, dù chỉ là một tia hy vọng mong manh nhất.


Ông Ngô Văn Dũng kể: “Hằng tuần, hằng tháng tôi báo cáo đều đặn cho anh Huề các tài liệu thu thập được và trả lời các yêu cầu tìm hiểu về một số vấn đề của trên. Giai đoạn trước khi tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh thì trên cứ hỏi liên tục, có khi hằng ngày. Trong số các tài liệu mà tôi thu thập được và gửi cho anh Huề có lẽ tập tài liệu được đóng dấu “Tuyệt mật” mang tên “Tóm lược tình hình kinh tế Việt Nam” là tài liệu có khối lượng thông tin nhiều và đa dạng nhất (từ những thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đến những thông tin, dữ liệu mật, tuyệt mật ở các cơ quan công quyền của chế độ ngụy quyền Sài Gòn và các cơ quan phụ trách về kinh tế, viện trợ của Mỹ tại Sài Gòn). Đó cũng là tài liệu được thu thập đều đặn nhất (mỗi tháng một lần). 


Báo cáo này phân tích sâu những vấn đề về lĩnh vực kinh tế tác động đến các lĩnh vực chính trị, xã hội, quân sự. Báo cáo được thực hiện dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Hảo ngay từ thời còn ở Quỹ PTKTQG. Báo cáo được phổ biến hạn chế đến một số ít nhân vật quan trọng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, do vậy nhiều quan chức cao cấp của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũng ít khi được tiếp cận hoặc chỉ tiếp cận được rất muộn. Tôi vừa là thành viên, vừa có mối quan hệ đặc biệt trong nhóm chuyên viên soạn thảo báo cáo này nên thấy có những vấn đề gì mới, quan trọng là báo cáo ngay cho anh Huề, chứ không chờ đến khi in ấn hoàn chỉnh mới gửi. Có lẽ nhờ vậy nên có những vấn đề liên quan đến chế độ ngụy quyền Sài Gòn trên căn cứ của ta đã biết nhưng nhiều nhân vật chóp bu của chế độ ngụy quyền Sài Gòn vẫn chưa hay”.


Từ phải sang: Ông Ngô Văn Dũng, Thượng tướng Cao Đăng Chiếm - AHLLVTND, nguyên Phó Ban ANT.Ư Cục miền Nam, sau này làm Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ CA). Thượng tướng Cao Đăng Chiếm đã mất năm 2007 tại TPHCM. Người đàn ông mang kính đứng hàng trước là ông Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội HS-SV Sài Gòn - Gia Định, hiện sống tại TPHCM. Ảnh: NVCC Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ tuyên bố cắt đứt viện trợ cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thiệu không ngừng tìm cách kéo Mỹ quay trở lại vũng lầy. Ông Ngô Văn Dũng nói: “Theo tìm hiểu của tôi, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đồng ý tài trợ cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn để thành lập Quỹ PTKTQG ngay trước khi ký Hiệp định Paris. Có vẻ như Mỹ vẫn nhùng nhằng, cố gắng kéo dài chiến tranh theo phương sách thúc đẩy chế độ ngụy quyền Sài Gòn phát triển kinh tế”.

Cuối năm 1974, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo sang Mỹ, xét bề ngoài thì sự kiện này chẳng có gì đáng chú ý. Nhưng theo tìm hiểu, Ngô Văn Dũng nhận định đây là một chuyến đi quan trọng. Ông báo cáo ngay tình hình cho Cụm phó Huỳnh Huề. Lập tức từ căn cứ ở Tây Ninh, An ninh T4 chỉ đạo Cụm A10 yêu cầu Ngô Văn Dũng phân tích về chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Văn Hảo. Báo cáo của ông đi đến kết luận thực chất đây là một chuyến đi để vận động hành lang cho những quyết định của Mỹ về một số vấn đề về kinh tế của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Và cũng qua kết quả của chuyến đi đó cho thấy “quyết tâm bỏ rơi” chế độ ngụy quyền Sài Gòn của Mỹ.

- Tại sao Mỹ rút quân, cắt viện trợ rồi mà ông Hảo còn sang bên đó vận động hành lang để làm gì nữa, thưa ông?

- Ông Hảo sang Mỹ một mặt là để cố nài nỉ Mỹ viện trợ trong lĩnh vực kinh tế được chừng nào hay chừng đó, nhưng quan trọng hơn là muốn để Mỹ đưa chế độ ngụy quyền Sài Gòn vào danh sách các quốc gia được bảo hộ của “Cty Đầu tư Tư nhân hải ngoại”, một Cty của Chính phủ Mỹ lập để bảo hộ đầu tư của Mỹ ở nước ngoài, nhất là ở các nước đang có biến động.


- Việc này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Đây là một câu chuyện dài, bắt đầu từ khi chuẩn bị ký Hiệp định Paris. Lúc đó, chế độ ngụy quyền Sài Gòn bắt buộc phải khai thác tiềm năng nội địa để đẩy mạnh phát triển kinh tế sau khi Mỹ rút quân. Một số chương trình kinh tế lớn được triển khai, đặc biệt là chương trình đẩy mạnh việc thăm dò, khai thác dầu mỏ tại thềm lục địa phía Nam. Tình hình lúc đó rất phức tạp, các Cty nước ngoài ngại đầu tư vào chế độ ngụy quyền Sài Gòn vì sợ tình hình chiến sự và kết cục của cuộc chiến tranh.



Tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Mỹ Johnsson. Ảnh: Internet

Một vài Cty dầu khí quốc tế (trong đó có Cty của Mỹ) đành chịu mất tiền “hoa hồng chữ ký” đã nộp cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn hàng trăm triệu USD để hủy không thực hiện hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam, trong khi họ đang chuẩn bị kéo các giàn khoan di động vào hải phận Việt Nam. Cùng với việc sau hàng năm trời ban hành “Luật Đầu tư” với nhiều ưu đãi, những nỗ lực của việc cải cách hành chính để thu hút đầu tư, cải tổ quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp công quản, cải tổ và thành lập thêm một số cơ quan tự trị..., thành lập Trung tâm Quốc gia khuếch trương xuất cảng; Cty Quốc gia khuếch trương Khu Chế xuất tiến hành xây dựng KCX Tân Thuận (theo mô hình KCX Cao Hùng, Đài Loan); Cty Quốc gia khuếch trương Khu Kỹ nghệ đang quản lý Khu Kỹ nghệ Biên Hòa được tiếp nhận một phần các căn cứ quân sự Long Bình (Biên Hòa), Cam Ranh (Khánh Hòa), Hòa Khánh (Đà Nẵng) để xây dựng các KCN tập trung, thực hiện chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển tiểu, thủ công nghiệp, DN vừa và nhỏ... nhưng cũng chỉ thu hút được rất ít nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, chế độ ngụy quyền Sài Gòn rất mong muốn được đưa vào danh sách các quốc gia được bảo hộ của “Cty Đầu tư tư nhân hải ngoại”, được như thế vị thế của chế độ ngụy quyền Sài Gòn được đảm bảo, việc thu hút đầu tư sẽ khởi sắc, kinh tế chế độ ngụy quyền Sài Gòn sẽ nhanh chóng phát triển. Nhưng chuyến đi vận động khá dài ngày của ông Hảo thất bại, điều đó càng chứng tỏ rõ nét hơn tình thế Mỹ phải “quyết tâm bỏ rơi” chế độ ngụy quyền Sài Gòn của cả Quốc hội và Chính phủ Mỹ.

- Ông nói một vài Cty dầu khí quốc tế đành chịu mất tiền “hoa hồng chữ ký” để hủy không thực hiện hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí, vậy lúc đó tình hình khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam ra sao, thưa ông?

- Trong Nhóm “chuyên viên đặc nhiệm” tôi được giao nhiệm vụ nhận báo cáo hằng tuần của các Cơ quan tự trị, DN Công quản thuộc quyền giám sát của Bộ CN&KN (trong số này có Tổng cục Dầu lửa và Khoáng sản) để phân tích, tổng hợp và đề xuất để Phó Thủ tướng giải quyết. Tôi cũng được anh Huề chỉ đạo là trên giao cho tôi nhiệm vụ phải theo dõi sát sao và báo cáo thường xuyên về diễn biến việc thăm dò và khai thác dầu khí của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.


Thực ra, có một vài Cty hủy hợp đồng thăm dò và khai thác, nhưng vẫn còn một vài Cty tiến hành khoan thăm dò tìm kiếm đến sau ngày 10-4-1975 mới bắt đầu bít các giếng đang khoan và kéo dàn khoan ra khỏi hải phận Việt Nam.

Hằng tuần, tôi nhận “Báo cáo mật” của Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu lửa và Khoáng sản (ông Trần Văn Khởi) báo cáo chi tiết về tình hình diễn biến của việc thăm dò và khai thác dầu khí, kể cả việc đã tuyển được bao nhiêu chuyên viên được đào tạo ở đâu vào phục vụ cho việc thăm dò và khai thác dầu khí... Tôi phân tích, tổng hợp, đề xuất báo cáo Phó Thủ tướng, đồng thời “tiện thể” gửi luôn cho anh Huề! Có lẽ, các báo cáo của tôi gửi cho anh Huề đã góp phần làm rõ thêm việc Cơ quan ANT.Ư Cục miền Nam nắm gọn mọi thông tin về dầu khí ở thềm lục địa phía Nam trong khi nó còn đang trên bàn thương thảo giữa chính phủ VNCH với các tập đoàn dầu khí quốc tế.

“Anh Huề, người đồng hương xứ Quảng” mà ông Ngô Văn Dũng đề cập chính là Cụm phó A10 Huỳnh Huề, thường gọi là Ba Hoàng, nay là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục An ninh thuộc Tổng cục II Bộ Công an. Tại nhà riêng ở Q.2, TPHCM, Thiếu tướng Huỳnh Huề kể với chúng tôi: “Những tài liệu mà anh Ngô Văn Dũng gửi về cho Cụm Điệp báo A10 quan trọng lắm! Tôi không rõ có lưới điệp báo nào khác của ta nắm được những thông tin đó nữa hay không, nhưng rõ ràng nó rất quý, giúp An ninh T4 và các cấp cao hơn nhìn rõ thực lực của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu và từng chuyển động nhỏ nhất của ông ta về cả phương diện kinh tế lẫn chính trị”.

Nguyễn Lê Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào:

 
Support : Huynh Hue A10 | Creating Website | Điệp báo A10 | Huynh Hue A10 | Huynh Hue A10
Copyright © 2011. Điệp báo A10 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Modify by Huynh Hue A10
Proudly powered by Blogger