Huỳnh Huề_Vị Tướng giữa đại ngàn Tây nguyên…

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Thiếu Tướng Huỳnh Huề:Người Anh hùng - Chỉ huy điệp báo năm xưa


Thiếu tướng Huỳnh Huề - Giám đốc CA tỉnh Đắk Lắk: Người Anh hùng - Chỉ huy điệp báo năm xưa 11:55, 20/04/2010


Ông có giọng nói trầm ấm, cách nói chuyện dung dị, nhưng sâu sắc, dễ đi vào lòng người. Ông là Thiếu tướng Huỳnh Huề, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, có tên là Ba Hoàng thời hoạt động điệp báo. Ông vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kháng chiến chống Mỹ.

Thiếu tướng Huỳnh Huề sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. 15 tuổi, ông đã tham gia Đoàn thanh niên T7 với nhiệm vụ liên lạc bảo vệ các cuộc họp bí mật của Đảng ủy Hoàng Văn Thụ, TP Đà Nẵng. Năm Mậu Thân 1968, ông đã phải tận mắt chứng kiến cảnh ba mình (lúc đó là cán bộ Thành ủy Đà Nẵng) bị bọn địch bắt, đày đi Côn Đảo. Tiếng khóc của mẹ, tinh thần quật khởi của ba không chịu khai báo bất cứ điều gì trước sự tra tấn dã man của kẻ địch đã tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai trẻ.

Tháng 5/1972, ông chính thức được hoạt động trong Cụm điệp báo A10 (thuộc Ban An ninh T4) do đồng chí Trần Quốc Hương (tức Mười Hương), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lúc ấy trực tiếp làm Trưởng ban. Tháng 9/1972, ông được giao làm Cụm phó Cụm điệp báo A10. Ngay từ khi được cấp trên cử vào hoạt động trong phong trào sinh viên Sài Gòn, ông đã đi sâu nghiên cứu và xây dựng được một số sinh viên có tinh thần yêu nước. Chính những người này sau đó đã được ông phát triển, bồi dưỡng để phục vụ công tác điệp báo.


Thiếu tướng Huỳnh Huề và phu nhân


Khi được nhận nhiệm vụ xây dựng nhóm điệp báo chui sâu, leo cao trong các cơ quan chóp bu chính quyền Sài Gòn, ông đã bồi dưỡng, giác ngộ và giao nhiệm vụ cho anh Ngô Văn Dũng (tức Ba Hùng), kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp ở Mỹ, hướng anh thi tuyển vào Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn đặc trách kinh tế. Trong quá trình hoạt động, điệp báo viên này đã lấy được rất nhiều tài liệu tuyệt mật, trong đó có tài liệu nói về Mỹ bắt đầu cắt viện trợ... từ đó ta phân tích được từ năm 1972, Mỹ bắt đầu bỏ rơi Thiệu...

Được đồng chí Mười Hương chỉ đạo xây dựng nhóm điệp báo nằm ngay tại Trung tâm Tình báo điện tử Mỹ, ông đã cân nhắc và tìm được một số kỹ sư điện tử là các anh Lương Mạnh Dũng, Bùi Sáu và Lê Ngọc Sáu. Sau một thời gian bồi dưỡng và giao nhiệm vụ, ông đã đưa được 3 cơ sở trên thi tuyển thành công vào Công ty Điện tử Harrisr comparation, thực chất là Trung tâm Tình báo điện tử Mỹ đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trước khi 3 anh được đưa vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông Huỳnh Huề đã huấn luyện họ chống lại sự kiểm tra bằng máy đo nói dối của Mỹ. Ông đã chỉ đạo 3 anh vẽ sơ đồ tổ chức, nhiệm vụ, chức năng và phát hiện các tin tức tổng hợp về quân sự được chuyển qua hệ thống điện tử này. Từ đó, ta thu được nhiều tin tức tình báo quan trọng về diễn biến chiến trường miền Nam, về hướng hành quân, hướng đánh phá của Mỹ.

Ngay từ đầu năm 1973, ông đã được đồng chí Mười Hương giao nhiệm vụ xây dựng nhóm điệp báo nhằm xây dựng nhóm nghị sĩ đối lập, tác động tới Dương Văn Minh. Nghiên cứu một số nhân vật tiếp cận được Dương Văn Minh, ông đã quyết định chọn và đi sâu vào nhóm dân biểu và tờ báo đối lập (báo Điện Tín), trong đó có anh Huỳnh Bá Thành là người cùng quê, đã quen trong thời kỳ ông hoạt động phong trào sinh viên và hiện là Tổng Thư ký tòa soạn của tờ báo. Từ đó, các cơ sở Cụm điệp báo A10 đã xây dựng thành công một nhóm đối lập với chế độ Thiệu (Huỳnh Bá Thành, Phan Xuân Huy - con rể Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Vạn Hồng - Cung Văn).

Quá trình hoạt động, nhóm này thường xuyên được sự chỉ đạo của cấp trên, đã tác động thành công đối với Dương Văn Minh chấp nhận làm Tổng thống chính quyền Sài Gòn và đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện vào ngày 30/4/1975 đúng như kế hoạch của ta. Cũng trong thời gian trên, ông Huỳnh Huề còn đưa một cơ sở điệp báo là anh Phan Văn Lộc, kỹ sư điện tử vào hoạt động trong Trung tâm Bưu điện Sài Gòn đóng gần nhà thờ Đức Bà - Sài Gòn. Vào ngày 30-4, đồng chí đã ra lệnh cho anh Lộc rút dây liên lạc, làm tê liệt hoàn toàn thông tin liên lạc, góp phần làm cho địch càng hoang mang, tan rã.

Quãng đời làm điệp báo đã trang bị cho ông bản lĩnh của người chỉ huy. Ông kể rằng, đó là công việc mà không thể có bất cứ sơ suất nào, vì chỉ cần một lỗi nhỏ là có thể dẫn đến hậu quả rất lớn, nguy hiểm đến tính mạng của ông, đồng đội và còn cả đại cục của cách mạng. Hòa bình lập lại, ông vẫn tiếp tục gánh vác nhiều trọng trách lớn của ngành Công an: Phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Công an TP HCM, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị; Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc - Tổng cục An ninh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk.

Cuộc đời làm chỉ huy điệp báo gian khó, hiểm nguy nhưng đã cho ông nhiều kinh nghiệm cũng như niềm tự hào sâu sắc về một quá khứ hào hùng. Vợ ông cũng là một cán bộ giao liên quả cảm của Cụm A10, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Thượng tá Công an đã về hưu. Cứ đến những ngày tháng 4 lịch sử này, trong trái tim ông và người vợ lại rộn ràng với niềm vui và tự hào vì mình và đồng đội trong Cụm điệp báo A 10 đã đóng góp một phần nhỏ chiến công, nhưng rất đáng tự hào trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc


T. Hoà - H. Giang Nguồn: http://ca.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2008/2/161535.cand

Không có nhận xét nào:

 
Support : Huynh Hue A10 | Creating Website | Điệp báo A10 | Huynh Hue A10 | Huynh Hue A10
Copyright © 2011. Điệp báo A10 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Modify by Huynh Hue A10
Proudly powered by Blogger