Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013
“CHUYÊN VIÊN ĐẶC NHIỆM” _Kỳ 3: Với Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo
Ông Ngô Văn Dũng thời đương chức Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (cũ). Ảnh: NVCC
Kỳ 3: Với Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo
“Mỗi người một chiến tuyến, một lý tưởng, trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó chúng tôi đứng ở hai bờ chiến tuyến, nhưng chúng tôi đều là con dân đất Việt” - (Ngô Văn Dũng)
Ông Ngô Văn Dũng kể tiếp về hành trình bước vào Quỹ PTKTQG, nơi ông Nguyễn Văn Hảo là Tổng đốc và sau này trở thành Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Canh nông và Kỹ nghệ (CN&KN): Sau khi vấn đáp, ông Nguyễn Văn Hảo hỏi tôi câu cuối cùng: Em là SV miền Trung, xứ nghèo vô Sài Gòn tự kiếm sống để đi học nay nếu được tuyển dụng vào Quỹ với mức lương cao thì em tiêu cách nào cho hết?”. Mà đúng là lương ở Quỹ PTKTQG cao thiệt. Lương của chuyên viên mới được tuyển dụng trong thời gian thử việc 3 tháng cao gần gấp 3 lần lương công chức của cơ quan hành chính cùng trình độ, tới 63.000 đồng. Nếu quy ra vàng vào thời điểm đó thì được gần 3 lượng.
Sau 3 tháng thử việc nếu được tuyển dụng chính thức sẽ là 96.000 đồng và sau đó cứ 6 tháng sẽ điều chỉnh lương theo biến đổi của chỉ số giá cả và kết quả công tác của từng người (có người lên lương nhiều, có người lên lương ít theo kết quả công tác). Vậy là tôi vừa có tiền gửi về quê cho gia đình vừa có kinh phí làm... cách mạng!”.
Lúc đó, ông Nguyễn Văn Hảo đồng thời là giáo sư của Học viện Quốc gia Hành chính. Quỹ PTKTQG đặt văn phòng làm việc tại Lầu III trong Trụ sở Ngân hàng Quốc gia (NHQG), tòa nhà số 17-Bến Chương Dương, Sài Gòn. Thời Nguyễn Văn Thiệu, ông Nguyễn Văn Hảo là một trong những nhà kinh tế giỏi và có ảnh hưởng trong nhiều chính sách kinh tế - tài chính. Tuy nhiên, có điều khá lạ là trong rất nhiều tài liệu chúng tôi tra cứu hầu như rất ít đề cập đến con người này. Gần đây trên trang Wikipedia (tiếng Việt) chỉ có mấy dòng ngắn gọn như sau: “Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1942, từng là Thống đốc Ngân hàng và Phó Thủ tướng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn trước ngày 30-4-1975. Ông tốt nghiệp kinh tế tại một ĐH Mỹ. Những ngày cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, ông là người giữ lại 16 tấn vàng. Sau năm 1975, ông ở lại Việt Nam và hiện đang liên doanh với Malaysia để xây dựng và đưa vào hoạt động khách sạn Park Hyatt tại TPHCM”.
Ông Ngô Văn Dũng kể: “Sau khi vào làm việc tại Quỹ PTKTQG, ông Hảo yêu cầu phải tuân thủ 3 việc. Thứ nhất, không được ăn hối lộ trong 2 năm. Thứ hai, không được xin nghỉ việc để đi du học. Thứ ba, không được đi làm thêm. Ông còn dặn, “phải biết nhìn xa hơn chỗ làm hiện tại của mình”. Lúc đó thực tình tôi không hiểu ông có ý gì trong lời dặn này”.
Vào làm việc ở Quỹ PTKTQG một thời gian, Ngô Văn Dũng hoàn toàn ngỡ ngàng về khả năng và phương thức làm việc của cơ quan này. Anh bắt đầu tiếp cận được những thông tin quan trọng trong nền kinh tế chế độ ngụy quyền Sài Gòn, từ việc hoạch định các sách lược kinh tế, phân tích các nguồn lực bên trong, bên ngoài, ngắn hạn, dài hạn đến những việc cụ thể như khoan thăm dò và khai thác dầu mỏ tại thềm lục địa phía Nam, các kết quả khảo sát địa vật lý ở thềm lục địa Việt Nam, các giếng hiện đang khoan mỗi tuần khoan sâu được thêm bao nhiêu, đánh giá trữ lượng và chất lượng dầu mỏ theo kết quả thăm dò từng giếng, triển vọng sắp đến tập đoàn dầu khí quốc tế nào có thể vào thăm dò khai thác... Tất cả những thông tin quan trọng thu thập được anh đều tổng hợp ngắn gọn để “gửi cho anh Huề, người đồng hương xứ Quảng”.
Khoảng giữa năm 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi ông Nguyễn Văn Hảo lên nói chuyện. Ông Ngô Văn Dũng kể: “Lúc đó, ông Thiệu nói ông Hảo tìm cách vực dậy nền kinh tế chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Tình hình kinh tế rất căng thẳng vì Mỹ rút quân, cúp viện trợ, số ngoại tệ sở hữu không còn là bao. Kinh tế kiệt quệ thì chế độ nguy nan. Một thời gian sau, sau khi cân nhắc một số điều kiện do ông Hảo đưa ra, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chính thức bổ nhiệm ông vào chức vụ Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế kiêm chức vụ Bộ trưởng Bộ CN&KN”.
Ngay sau đó, một cánh cửa rất rộng đã mở ra với Ngô Văn Dũng. Khi sang đảm nhiệm chức vụ mới, ông Nguyễn Văn Hảo kéo một số ít chuyên viên mà mình tin tưởng ở Quỹ PTKTQG đi theo, trong số này có Ngô Văn Dũng. Lúc này anh mới hiểu lời dặn của ông Hảo khi mới vào làm việc - “phải biết nhìn xa hơn chỗ làm hiện tại của mình”. Sau khi nhậm chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo thành lập một nhóm làm việc gồm một số “chuyên viên đặc nhiệm”. Các “chuyên viên đặc nhiệm” này hoạt động như trợ lý, chuyên nghiên cứu tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình để đề xuất những ý kiến, kiến nghị giải quyết về những vấn đề quản lý KT-XH”.
Bản phúc đáp của Chuẩn tướng Nguyễn Khắc Bình - Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia chế độ ngụy quyền Sài Gòn gửi ông Tổng đốc Nguyễn Văn Hảo về trường hợp Ngô Văn Dũng. Đây là tài liệu ta thu giữ được sau ngày giải phóng. Ảnh: N.L
- Chỉ là một thành viên trong nhóm chuyên viên của Phó Thủ tướng thì làm sao ông tiếp cận được những thông tin tuyệt mật mà ngay cả nhiều quan chức cấp cao của ngụy cũng không được “sờ” tới? - Thực ra, ngoài tính chất đặc biệt của các “chuyên viên đặc nhiệm” thì trong câu chuyện này có liên quan đến một giai thoại có thật lúc bấy giờ. Khi gặp ông Thiệu, ông Hảo đề xuất thực hiện 3 chương trình kinh tế (chương trình lương thực - thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu và chương trình hàng xuất khẩu) với 7 giải pháp để vực dậy nền kinh tế chế độ ngụy quyền Sài Gòn như trong một báo cáo nghiên cứu với tựa đề “Một vận hội kinh tế mới” do Quỹ PTKTQG nghiên cứu (báo cáo này tôi đã chuyển toàn bộ cho anh Huề trước đó).
Nhưng để làm việc có hiệu quả, yêu cầu ông Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm phải cho ông Hảo cái quyền cách chức Tỉnh trưởng ngay tại chỗ, nếu Tỉnh trưởng không chịu thực hiện mệnh lệnh của chính phủ về thực hiện các chương trình kinh tế này. Thực tình, chức Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế nghe có vẻ oách nhưng không ăn thua gì đối với các “ông trời con” đầu tỉnh. Ban đầu ông Thiệu không chấp thuận vì các Tỉnh trưởng đều là nhân vật thân cận và Tổng thống sống được cũng nhờ những quan này. Nhưng sau xét thấy tình hình kinh tế nguy cấp quá, mà ông Hảo không chịu nhận chức nếu ông Thiệu không đáp ứng yêu cầu này nên ông Thiệu đành phải chấp nhận.
Một lần, ông Nguyễn Văn Hảo xuống Vĩnh Long để làm việc về Chương trình lương thực thực phẩm (chương trình này do Tỉnh trưởng phụ trách) với Đại tá Tỉnh trưởng Lê Chí Cường (Lê Chí Cường có một thời gian làm Thị trưởng Đà Nẵng). Lê Chí Cường coi thường không tiếp, chỉ cử Phó Tỉnh trưởng tiếp. Ông Hảo không làm việc với Phó Tỉnh trưởng mà hẹn chiều đến làm việc với Tỉnh trưởng. Đến làm việc buổi chiều với Đại tá Lê Chí Cường, sau những nghi thức xã giao và trao đổi công việc, ông Hảo nói thẳng, đại ý: Tôi thông báo việc Chính phủ đã cách chức Tỉnh trưởng của ông vì ông không chấp hành mệnh lệnh! Lê Chí Cường vừa bất ngờ, vừa tức tối, về gấp Sài Gòn để gặp Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu đành chịu, phải điều chuyển Lê Chí Cường vì đã chấp nhận yêu cầu của ông Hảo rồi! Kể từ đó một số quan chức cả ở Sài Gòn và địa phương tỏ ra kiêng dè cách xử lý công việc của ông Hảo. Nhờ đó nhóm “chuyên viên đặc nhiệm” của chúng tôi được dễ dàng hơn trong việc yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan cung cấp các thông tin kể cả những thông tin mật, riêng tôi thì có thêm cơ hội để trả lời những vấn đề mà trên yêu cầu, gửi cho anh Huề”.
- Ông có thể nhận xét về mối quan hệ của mình với cựu Phó Thủ tướng chế độ ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Hảo?
- Tôi kính trọng và nể phục ông. Dù thế nào đi nữa thì ông Nguyễn Văn Hảo cũng là một người tài và có tinh thần dân tộc. Điều đó lý giải vì sao ông quyết tâm giữ lại những tài sản của đất nước và chính bản thân ông cũng không lên máy bay di tản. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, ông và tôi mỗi người ở một chiến tuyến, một lý tưởng khác nhau nhưng đều là con dân Đất Việt! Sau ngày giải phóng, tôi rất mừng là ta đã sử dụng lại ông và ông cũng có những đóng góp nhất định cho những ngày đầu mới giải phóng. Có lẽ, ông ấy hiểu rất rõ và tin tưởng tinh thần hòa giải dân tộc mà Đảng ta đã chủ trương từ những ngày đầu thống nhất.
Nguồn: CAND
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.