Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013
A10- NHỮNG NGƯỜI "XÚI" DƯƠNG VĂN MINH NGỪNG BẮN_Kỳ 2: Làn sóng ngầm dưới chân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Hàng trước: Bộ trưởng Bộ CA Lê Hồng Anh, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Trần Quốc Hương; hàng sau: nguyên Cụm trưởng A10, ông Mười Thắng (bìa phải).
Kỳ 2: Làn sóng ngầm dưới chân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Khoảng giữa năm 1973, sau khi nghe tôi báo cáo về anh Huỳnh Bá Thành, đồng chí Mười Hương và Sáu Ngọc đồng ý cho Cụm A10 tổ chức móc nối để đưa anh Thành vào Cụm Điệp báo A10 với vai trò cán bộ cốt cán đi sâu vào nhóm Dương Văn Minh. Ngoài ra, A10 mà trực tiếp là Huỳnh Bá Thành phải chi phối 2 tờ Điện Tín và Đại Dân Tộc là hai tờ báo đối lập lớn ở Sài Gòn. Vào khoảng tháng 7-1973, Cụm A10 bắt đầu tiến hành móc nối lại với anh Thành.
Ban đầu là anh Năm Quang (Nguyễn Hữu Khánh Duy) tìm cách móc nối lại với anh Huỳnh Bá Thành. Sau khi anh Năm Quang sắp xếp đâu vào đó rồi thì phát sinh một sự việc là anh bị kêu đi sĩ quan quân y. Lúc đó, anh Năm Quang có quan hệ hoạt động bên phong trào sinh viên nhiều (anh là Phó Chủ tịch Ngoại vụ Ban đại diện SV Y khoa) nên tụi cảnh sát chìm theo dõi. Giao liên nội đô của anh Năm Quang là cô Trần Việt Thu (còn gọi là Hà) - anh cũng phải đưa ra căn cứ lánh - sau này ở luôn tại căn cứ (sau giải phóng cô Việt Thu công tác tại Phòng PA36 CATP HCM và nghỉ hưu năm 2008).
Tôi báo cáo tình hình cho chú Sáu Ngọc, chú Mười Hương. Chú Sáu Ngọc nói: “Nếu không cắt (liên lạc với Năm Quang - N.V) thì tụi nó lần ra là mình tiêu”. Chú Mười Hương chỉ đạo: “Phương châm công tác bí mật là không để mới dính cũ, xây mạng lưới mới phải cắt cái cũ”. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng, tôi đề nghị anh Năm Quang tham gia sĩ quan quân y thủy quân lục chiến và tạm dừng liên lạc. Cơ sở nào không có dấu hiệu bị lộ thì anh Ba Hoàng (Thiếu tướng Huỳnh Huề, hiện là Giám đốc CA Đắc Lắc - N.V) tiếp quản.
Anh Duy đi thủy quân lục chiến cuối năm 1973 đầu 1974. Như vậy là qua theo dõi thấy tình hình an ninh của Cụm A10 ở nội đô tạm gọi là yên ổn. Lãnh đạo bố trí đồng chí Hai Phương nối xong với anh Thành và bắt đầu thu thập tin tức, làm các công việc về tác động báo chí công khai. Ví dụ, chỉ đạo anh Thành đưa lên báo vụ ông già Bến Tranh để phá kềm ở một huyện tại Tiền Giang buộc chúng phải thay trưởng huyện, dùng báo chí công khai phản ảnh các tin tức về áp bức của quần chúng để giúp quần chúng tháo kềm ở cơ sở. Các việc này làm rất nhiều, tôi không thể nhớ hết.
Khoảng mùa hè năm 1974, đồng chí Mười Hương có yêu cầu tôi đưa anh Thành ra căn cứ gặp đồng chí tại Thanh An, gần ngã ba Bông Giấy. Tôi đã đưa anh Thành ra Củ Chi qua Thanh An gặp trực tiếp đồng chí Mười Hương. Tôi vẫn nhớ là khi đó anh Thành bị vết thương ở gót chân, nên đi ra căn cứ rất khó khăn, không chạy được mà chỉ đi bộ. Anh em tổ chức đưa vào cứ phải đảm bảo an toàn. Anh Thành đi bộ có khi cả 10km đường ruộng đau buốt chân nhưng vẫn vui mừng như đứa con đi xa trở về quê.
Đồng chí Mười Hương chỉ gặp 1 buổi và chỉ đạo đồng chí Thành về hoạt động trong nhóm Dương Văn Minh và mặt trận báo chí công khai. Lúc đó, đồng chí Mười Hương nói với tôi: “Anh Thành với vai nhà báo đi sâu vào nhóm Dương Văn Minh, nắm chắc mọi diễn biến của nhóm Minh báo về trên; giúp nhóm Minh trở thành trung tâm công khai bên trên làm chỗ dựa cho phong trào bên dưới tấp vô tạo thành một mặt trận chính trị lật Thiệu”.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo và Cụm A10, trong khoảng thời gian 1973 – 1975, anh Huỳnh Bá Thành đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Đáng kể nhất là anh đã xây dựng, khai thác nhiều đầu mối quan hệ có lợi trong nhóm lực lượng thứ ba như dân biểu Phan Xuân Huy (con rể Dương Văn Minh), kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, dân biểu Lý Quý Chung (sau này là Tổng trưởng thông tin của chính phủ Dương Văn Minh), Hồ Ngọc Nhuận (chủ bút Báo Tin Sáng), Giáo sư Lý Chánh Trung... Thông qua các mối quan hệ này, A10, mà trực tiếp là anh Huỳnh Bá Thành, từng bước tác động nhóm Dương Văn Minh, góp phần trong việc 18 đoàn thể ra tuyên cáo chống Thiệu. Do anh Thành thuộc diện cốt cán đi sâu nên không được tổ chức cơ sở bí mật. Đây là nguyên tắc nhằm bảo vệ an toàn cho đồng chí mình.
Luật sư Nguyễn Minh Trí, tức Mười Thắng, nguyên Cụm trưởng A10 áo sẫm).
Khoảng từ năm 1973, để chia rẽ quần chúng, Nguyễn Văn Thiệu cho thành lập vài ba tổ chức nhằm thu hút quần chúng đánh lạc dư luận đang chĩa vào mình. A10 nắm tình hình các tổ chức này, chỉ đạo anh Huỳnh Bá Thành dùng ngòi bút đưa lên BÁO Điện Tín hình ảnh hàng loạt các nhân vật trong chính trường chế độ cũ dưới dạng “ký sự nhân vật”, vừa vạch mặt số tay sai trung thành với Mỹ - ngụy, vừa lôi kéo số lưng chừng, góp phần phân hóa nội bộ kẻ địch, tạo thế đấu tranh của phong trào đô thị, tập hợp rộng rãi lực lượng chống Thiệu.
Ngày 22-9-1974, Mỹ - Thiệu vạch ra “Kế hoạch Sao chổi” với nội dung đưa ra các biện pháp đàn áp các phong trào dân chủ yêu nước, báo chí tiến bộ... Anh Huỳnh Bá Thành thông qua cơ sở bí mật lấy được bản kế hoạch này từ thiếu tá cảnh sát đặc biệt Trần Đình Bình. Theo chỉ đạo của A10, anh Huỳnh Bá Thành đã đưa nguyên văn kế hoạch này trên tờ Điện Tín số ra ngày 1-10-1974, gây ra làn sóng căm phẫn trong công luận và quần chúng khiến chính quyền Thiệu bị lúng túng và bẽ mặt.
Ngoài anh Huỳnh Bá Thành, lúc này A10 còn có các nhánh khác hoạt động rất hiệu quả. Như nhánh của Ba Vũ (Võ Vân) hoạt động trong “lõm chính trị”, thúc đẩy phong trào dân nghèo vùng ven và binh lính đào ngũ. Nhánh của Ba Hoàng, Năm Quang thu thập nhiều tin tức có giá trị kịp thời tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo thúc đẩy phong trào đấu tranh ở đô thị và làn sóng chống đối ngầm dưới chân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu... Những việc này góp phần châm ngòi cho một loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn ở đô thị trước ngày 30-4-1975, mà lúc đó đồng chí Mai Chí Thọ và đồng chí Trần Quốc Hương thường nói là những cuộc diễn tập công khai tiền khởi nghĩa.
(Luật sư Nguyễn Minh Trí kể, Nguyễn Lê ghi)
Nguồn:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.