Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013
“CHUYÊN VIÊN ĐẶC NHIỆM” _Kỳ 2: “Lo mà thi cho đậu”
Thiếu tướng Huỳnh Huề
Kỳ 2: “Lo mà thi cho đậu”
Sau Hiệp định Paris (tháng 1-1973), Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và gần như chắc chắn bỏ rơi chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Mỹ cút ắt ngụy phải nhào? Nhưng chuyện có vẻ không đơn giản như vậy.
Khi biết chắc Hiệp định Paris đi đến hồi kết, trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu nói: “Không phải chỉ vì Hiệp định có chữ hòa bình mà chúng ta thực sự có hòa bình. Đây chỉ là thỏa thuận ngừng bắn không hơn không kém”. Còn Tổng thống Mỹ Nixon thì nói ởWashington: “Đây là một hòa bình mong manh”. Ông Ngô Văn Dũng nhận xét:
“Những phát biểu của Nixon và Nguyễn Văn Thiệu cho thấy, câu hỏi về kết thúc chiến tranh, về thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nó chỉ có thể trả lời một cách rõ ràng hơn khi ta nắm rõ mọi nguồn lực chiến tranh của chế độ ngụy quyền Sài Gòn”.
Ngô Văn Dũng sinh năm 1950, người làng Khuê Đông, xã Hòa Quý, H. Hòa Vang (cũ), nay là P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Thực ra gốc gác ông không phải họ Ngô mà là họ Trần. “Hồi đó cha tôi tập kết ra Bắc, Ngô Đình Diệm thực hiện “nhổ cỏ tận gốc”, mẹ tôi phải đi “học tập sám hối”, tôi lánh sang ở với dì ruột tại làng Tân Lưu, xã Hòa Hải. Dì có chồng đã chết (là ông Ngô Văn Huyến, liệt sĩ chống Pháp). Vậy là khai luôn họ Ngô, dì nhận là “con ruột” để tiện đường học hành và yên thân trong những ngày ác liệt ấy”.
Quãng những năm 1963-1964, vùng Hòa Hải, Hòa Phụng du kích cán bộ nằm vùng hoạt động mạnh. Như nhiều thiếu nhi hồi đó, khi trong nhà có nuôi giấu cán bộ, Ngô Văn Dũng bắt đầu làm giao liên, chạy việc... Ông kể: “Năm 1965 gia đình có ý định cho tôi thoát ly nhưng gặp ông cậu đang hoạt động cách mạng, ổng khuyên: “Cha mi tập kết rồi, chỉ còn mỗi mi là con trai, cả mấy làng ở mình chỉ có mi là đậu trung học đệ nhất cấp, mi nên ở lại để ráng lo học hành”. Vậy là tôi tiếp tục học hành, tham gia với các phong trào ở địa phương. Đến năm 1968, sau khi thi đậu Tú tài II thì khăn gói vào Sài Gòn để học đại học.
Từ trước ra sau: Ông Mười Hương, Thiếu tướng Huỳnh Huề và Ngô Văn Dũng. Ảnh: TL
Vào Sài Gòn, Ngô Văn Dũng hòa nhập ngay với tình hình sôi động lúc bấy giờ. Phong trào HS-SV Sài Gòn - Gia Định phát triển mạnh mẽ. Tổng hội Sinh viên Sài Gòn công khai xuống đường đấu tranh với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Trong phong trào này, anh em HS-SV xứ Quảng hoạt động rất hăng hái và uy tín. Ngay từ khi mới vào Sài Gòn, anh vừa hoạt động trong phong trào công khai vừa tham gia bí mật hoạt động cách mạng với cánh ông Ba Khoa (tức Huỳnh Văn Khánh, sau này là Ủy viên Thường vụ Quận ủy Tân Bình, TPHCM), rồi sau kết nối với cánh bà Năm Xuân (Quận 3) do Ba Khoa giới thiệu.
Sau một năm học tại ĐH Khoa học, Ngô Văn Dũng thi đậu vào ĐH Sư phạm và Học viện Quốc gia Nông nghiệp. Năm 1971, cánh bà Năm Xuân, ông Ba Khoa bị vỡ, một số bị bắt, đày đi Côn Đảo. Ngô Văn Dũng chưa lộ, tiếp tục hoạt động trong phong trào HS-SV, trong đó đáng kể là phong trào Đòi quyền sống đồng bào của bà luật sư Ngô Bá Thành. Đến năm 1972, một sự kiện diễn ra tại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia đã làm thay đổi hướng hoạt động của anh.
Tháng 9-1972, tại căn cứ Cây Dầu, Campuchia, Ban ANT.Ư Cục miền Nam quyết định thành lập Cụm Điệp báo A10, do ông Trần Quốc Hương(1) và Lê Thanh Vân(2) chỉ đạo. Các thành viên của Cụm gồm Nguyễn Minh Trí làm Cụm trưởng và các Cụm phó là Trần Thiếu Bảo(3), Nguyễn Hữu Khánh Duy(4), Huỳnh Huề(5). Tất cả các thành viên của Cụm lúc đó tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 20.
Ông Nguyễn Minh Trí thường gọi là Mười Thắng, người gốc Quảng Bình nhưng lớn lên ở Đà Nẵng và sau đó vào hoạt động ở Sài Gòn, hiện hành nghề Luật sư ở TPHCM kể với chúng tôi tại nhà riêng ở Q.3, TPHCM: “Khác với các lưới điệp báo chủ yếu khai thác thông tin mật, Cụm A10 vừa khai thác thông tin vừa tấn công chính trị vào cơ quan đầu não chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Mà nói trắng ra là lật đổ Tổng thống theo đường lối cứng rắn Nguyễn Văn Thiệu rồi đưa người khác có tinh thần hòa giải lên thay, người này chính là Đại tướng Dương Văn Minh. Từ năm 1972 đến ngày giải phóng, A10 đã xây dựng được 39 cơ sở, Ngô Văn Dũng là một trong số những cơ sở đó, và là một cơ sở quan trọng”.
Năm 1972, Huỳnh Huề - Cụm phó Cụm điệp báo A10 thường xuyên gặp Ngô Văn Dũng ở Sài Gòn.
Ông Ngô Văn Dũng kể: “Huỳnh Huề là dân học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) sau đó vào Sài Gòn học ở ĐH Khoa học. Tôi học ở Trường Trung học Hòa Vang sau đó chuyển xuống học Trung học đệ nhị cấp ở Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), trên Huỳnh Huề một lớp. Vào Sài Gòn còn biết nhau nhiều hơn do sinh hoạt trong Hội Ái hữu SV-HS Quảng Đà và hoạt động trong phong trào HS-SV. Cả hai đều biết là có tham gia hoạt động cách mạng nhưng không rõ ở cánh nào thôi. Bởi vậy, khi anh vận động, tôi nói luôn: “Nói thiệt, mình hoạt động trong cánh anh Huỳnh Văn Khánh (cũng là dân học Phan Châu Trinh), hiện anh chị em bị bắt hết rồi”. Huỳnh Huề bảo: “Rứa thôi ông tham gia vô tổ chức của tôi đi”. Vậy là tham gia nhận nhiệm vụ, lấy bí danh hoạt động là Ba Hùng, chứ lúc đó cũng chưa biết mình đi làm tình báo, điệp báo chi cả!”. Ngay cả thời gian sau đó, Ngô Văn Dũng vẫn chưa biết gì về tổ chức Cụm Điệp báo A10.
Giữa năm 1973, trên tờ Chính Luận, một trong số những tờ báo lớn của Sài Gòn lúc ấy, đăng một mẩu tin nhỏ về việc thi tuyển chuyên viên vào làm việc cho một cơ quan nghiên cứu của chính phủ chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Mẩu tin chung chung vậy chứ không nói rõ là cơ quan nào. Tuy nhiên, Cụm phó Điệp báo A10 Huỳnh Huề giao ngay cho Ngô Văn Dũng nhiệm vụ (lúc này Ngô Văn Dũng đã được chấp thuận làm Giảng nghiệm viên tại Học viện Quốc gia Nông Nghiệp): Phải đăng ký dự thi và phải vượt qua vòng thi tuyển. Vì đó là Quỹ Phát triển Kinh tế Quốc gia (PTKTQG), cơ quan mới được thành lập theo sự thỏa thuận và tài trợ giữa chính phủ chế độ ngụy quyền Sài Gòn và chính phủ Mỹ, nơi sẽ nắm giữ mọi thông tin quan trọng về kinh tế và viện trợ.
Với hai tấm bằng Cử nhân Khoa học và Kỹ sư chuyên khoa Khoa học Thực phẩm, Ngô Văn Dũng, lúc này 23 tuổi, bắt đầu cuộc tranh đua quyết liệt để giành một suất làm chuyên viên trong Quỹ PTKTQG, theo chỉ đạo của ANT.Ư Cục miền Nam, mà theo cách diễn đạt của Cụm phó Huỳnh Huề là: “Ông lo mà thi cho đậu, cha nội!”.
Ông Ngô Văn Dũng kể: “Thi vô Quỹ PTKTQG lúc đó căng lắm. Có đến mấy trăm người dự thi, mà phần nhiều là tốt nghiệp ĐH loại ưu ở trong nước hoặc đã đi làm rồi. Quỹ tuyển thẳng những người tốt nghiệp các trường danh tiếng ở nước ngoài. Còn lại tốt nghiệp trong nước và tốt nghiệp các trường ít danh tiếng ở nước ngoài thì đều thi hết. Qua vòng thi viết (gồm 5 câu hỏi tự luận), chọn ra 30 ứng viên có số điểm cao nhất. Tiếp đến, Hội đồng Giám đốc Quỹ (5 thành viên) phỏng vấn số này chọn ra 15 người. Và sau cùng Tổng đốc Nguyễn Văn Hảo phỏng vấn trực tiếp và chọn 10 người. Thật ngạc nhiên, số này lại toàn là những anh chị em tốt nghiệp trong nước, và đều được bố trí vào làm việc tại Khối Nghiên cứu Phát triển của Quỹ. Tôi là một trong những người này và đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp trực diện TS Nguyễn Văn Hảo.
Ông Ngô Văn Dũng kể tiếp: “Trước đó tôi chỉ biết ông Nguyễn Văn Hảo với tư cách là một giáo sư ĐH, nhưng tôi rất có ấn tượng qua quyển sách có tựa đề “Đóng góp” của ông xuất bản 1972-1973, tập hợp những bài viết, bài nói của ông về trách nhiệm, sự đóng góp của từng tầng lớp dân cư vào sự phát triển kinh tế”...
Nguyễn Lê (1): Trần Quốc Hương (Mười Hương), lúc đó là Phó Bí thư T.Ư Cục miền Nam, người trực tiếp lãnh đạo các lưới điệp báo làm khuynh đảo Sài Gòn, trong số đó có cả các điệp viên huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Trần Xuân Nhạ, Lê Hữu Thúy. Sau này ông làm đến Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư. Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Hiện ông sống tại Q.2, TPHCM.
(2): Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc), nguyên Phó Ban An ninh T4 Sài Gòn - Gia Định, Cục trưởng An ninh Bộ CA, sau giải phóng làm Giám đốc CATPHCM.
(3): Trần Thiếu Bảo (Hai Phương), sau giải phóng ông công tác tại CATPHCM, sau chuyển ngành, làm P.V Báo Thanh niên rồi lên chức Giám đốc Nhà in Thanh Niên. Nay ông đã nghỉ hưu và sống tại TPHCM.
(4): Nguyễn Hữu Khánh Duy (Năm Quang), rất nổi tiếng trong phong trào HS-SV của ĐH Y khoa Sài Gòn. Sau khi vào A10, ông hoạt động trong vai trò công khai bác sĩ trong lực lượng Thủy quân lục chiến chế độ ngụy quyền Sài Gòn đóng quân tại Quảng Trị. Sau giải phóng, ông công tác tại CATPHCM. Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Điều trị và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, Q. Bình Thạnh.
(5): Huỳnh Huề (Ba Hoàng), nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc CA tỉnh Đắc Lắc, hiện là Thiếu tướng, Cục trưởng, Tổng cục An ninh II, Bộ CA. Ông được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 2010.
Nguồn: CAND
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.