Huỳnh Huề_Vị Tướng giữa đại ngàn Tây nguyên…

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

“CHUYÊN VIÊN ĐẶC NHIỆM”_Kỳ cuối: kết thúc hoàn hảo



Ông Ngô Văn Dũng (hàng sau, thứ 3 từ trái sang) trong thành phần Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

NHỮNG CUỘC CHIẾN ĐẤU THẦM LẶNG TRONG LÒNG ĐỊCH
Cập nhật lúc 15:25, Thứ Bảy, 22/05/2010 (GMT+7)

Do tính chất đặc biệt của nghề nghiệp, người hoạt động điệp báo trong lòng địch không phải bao giờ cũng may mắn có một kết thúc hoàn hảo, ấy là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không bị lộ, bình yên trở về cuộc sống, nhưng Ngô Văn Dũng đã có được điều đó. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, ông trở về quê hương Đà Nẵng, tiếp tục làm cách mạng trong vai trò mới. 


Cuộc trao đổi giữa chúng tôi và ông Ngô Văn Dũng diễn ra tại nhà riêng của ông ở Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng. Mở đầu câu chuyện, ông bảo cũng lâu lắm rồi mới có người nhắc lại chuyện của Cụm Điệp báo A10, và “thôi thì nhớ được chi tôi nói nấy”.

- Thời đó ông chuyển tin bằng cách nào? 

- Tùy tình hình, có rất nhiều cách. Theo giao ước các báo cáo do tôi tự soạn thảo thì phải viết theo các quy định, với các tài liệu cái nào thu thập được bản gốc thì gửi bản gốc, cái nào không thể thu thập bản gốc được thì gửi bằng bản sao chụp. Hầu hết đều gửi qua hộp thư bí mật nội đô, có rất ít trường hợp phải giao trực tiếp cho anh Huề. Nói chung, mọi việc chuyển giao tài liệu cũng đơn giản thôi!

- Từ lúc được Cụm Điệp báo A10 cài vào cơ quan đầu não của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cho đến lúc giải phóng, ông có gặp tình huống nguy hiểm nào không? 

Không. Không hề. Sau ngày giải phóng suy nghĩ lại tôi thấy cũng lạ, suốt bao nhiêu năm như thế mà cơ quan mật vụ, phản gián của chế độ ngụy quyền Sài Gòn không hay biết gì cả, đây có phải là sự may mắn chăng? Hay là do mình hoạt động điệp báo nhưng đó cũng chỉ là những công việc mà mình phải suy nghĩ làm hằng ngày! Cũng có thể do tôi và hầu hết các anh em trong Cụm Điệp báo A10 đâu có biết gì về nghề tình báo, cứ được giao việc trong khả năng mình có thể làm được là nhiệt tình làm, làm với tư cách một chuyên viên có kỹ năng trong nghiệp vụ chuyên môn nhưng là một tay ngang trong lĩnh vực tình báo. Nhờ đó mà đến ngày giải phóng, tất cả mấy chục anh em đều nguyên vẹn.
Riêng tôi, sau này khi giải phóng rồi, khi ta thu giữ tài liệu của chế độ cũ thì mới biết rằng Quỹ PTKTQG đã có yêu cầu điều tra hành chánh và tướng Nguyễn Khắc Bình - Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia đã cho điều tra và có kết luận “Ô. Ngô Văn Dũng hiện không chi lưu ý trong văn khố Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia”.

- Ngày tiếp quản Sài Gòn ông đã làm gì? 

- Sau ngày 30-4-1975, ngoài việc cùng một số anh em và các viên chức chế độ cũ còn ở lại bàn giao các cơ quan thuộc khối kinh tế cho Tổ tiếp quản của Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định, tôi còn tiếp quản và bàn giao nhiều căn biệt thự của các quan chức cao cấp chế độ ngụy quyền Sài Gòn ở trung tâm Sài Gòn. Nói chung, lúc đó do lực lượng Quân giải phóng nhiều người còn ngỡ ngàng khi tiến vào Sài Gòn nên anh em ở nội đô làm khá nhiều việc và làm rất năng nổ.

- Ông lý giải vì sao, chỉ làm việc với tư cách một chuyên viên trong chế độ cũ mà ông có thể gửi về những tài liệu quan trọng cho Cụm Điệp báo A10 như đánh giá của Thiếu tướng Huỳnh Huề, thưa ông? 


- Có lẽ đây là do cách tổ chức phương thức làm việc và cách tuyển dụng, quản lý nhân viên của TS Nguyễn Văn Hảo. Ông Hảo luôn tạo mọi điều kiện có thể nói là tốt nhất về thu nhập, đào tạo, cung cấp thông tin liên quan đến công việc... để nhân viên hoàn thành nhiệm vụ. Trong làm việc thì đề cao sự suy nghĩ, nghiên cứu độc lập, khách quan, sự phản biện để chọn ra cho được những giải pháp hoàn hảo hơn và đề cao tinh thần làm việc “nhóm”. Nhân viên ai làm tốt được các điều đó thì sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến và tăng thu nhập hơn. Tôi được cách mạng giao nhiệm vụ mà đây cũng chính là việc làm hằng ngày của mình, đã tạo thêm động lực để tôi cố gắng tìm tòi ở mọi ngõ ngách có thể, toàn tâm toàn ý cho công việc để công việc được giao cho mình có kết quả tốt nhất, có tài liệu để gửi cho anh Huề.



Cựu cán bộ điệp báo ở Sài Gòn trước 1975 họp mặt đầu xuân Tân Mão với ông Trương Hòa Bình - cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ CA hiện là Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao. Hàng trước - từ trái sang: Huỳnh Huề, Tám Hoàng (tình báo quân đội), Lê Thanh Bình (Thiếu tướng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Bộ CA); hàng sau: Trần Thiếu Bảo (Cụm phó A10), Nguyễn Hữu Khánh Duy (Cụm phó A10), Võ Vân (thành viên A10- phụ trách lõm chính trị), ông Trương Hòa Bình và ông Mười Thắng (Cụm trưởng A10). Ảnh: Ông Võ Vân cung cấp.


Sau ngày 30-4-1975, Ngô Văn Dũng phục vụ trong ngành An ninh một thời gian ngắn rồi chuyển qua làm công tác chuyên môn về quản lý kinh tế tại Vụ Tổ chức Quản lý, Bộ Công nghiệp (B) tại TPHCM. Cuối năm 1977, với tinh thần phấn chấn, ông quay về TP Đà Nẵng để đoàn tụ cùng gia đình sau bao năm ly tán với mong ước là góp phần của mình xây dựng quê hương thân yêu.

Chịu không ít nghi ngại của một người đã đổi họ “Trần” của mình thành họ “Ngô”, họ của Ngô Đình Diệm, của một người đã từng làm việc trong bộ máy cấp cao của ngụy, nhưng với sự tâm huyết, sự hiểu biết và lòng tự trọng đã được hình thành trong chính cuộc sống của mình, ông đã cố gắng vượt qua trở lực, liên tục phấn đấu để làm lại từ đầu. Từ một cán bộ kinh tế kỹ thuật của một xí nghiệp, ông trở thành giám đốc một vài xí nghiệp quốc doanh của TP Đà Nẵng, chuyên làm thí điểm các chính sách mới về kinh tế của Đảng và Nhà nước trước thềm của việc thực hiện chủ trương “Đổi mới” của Đảng tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi làm Trưởng ban Công nghiệp kiêm Chủ nhiệm Liên hiệp xã Tiểu công nghiệp - Thủ công nghiệp TP Đà Nẵng, làm Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (cũ), Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND Q. Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy - Chủ tịch HĐND Q. Hải Châu kiêm Phó ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng đến khi nghỉ hưu. Ông cũng được người dân Đà Nẵng cử làm đại biểu của nhân dân liên tục trong hơn 20 năm - Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN khóa IX, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng (cũ), đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đại biểu HĐND Q. Hải Châu, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nhiều khóa.

Như phần lớn những cơ sở bí mật của Cụm Điệp báo A10, ông không muốn gọi thành tích trong quá khứ của mình là “chiến công”. Ông nói: “Công việc làm của mình cũng đơn giản và bình dị. Mình làm việc cho cách mạng bởi vì mình phải làm theo như cha anh mình đã làm, mình làm được gì cho đất nước, cho dân tộc thì mình ráng làm chứ có nghĩ ngợi gì đâu”.

Thay lời kết 


 Từ hơn 2 năm nay, chúng tôi theo đuổi các cựu thành viên Cụm Điệp báo A10. Giờ họ là những công chức, sĩ quan, doanh nhân, cán bộ hưu trí... trên dưới lục tuần cả rồi. Họ khá bình lặng giữa bao nhộn nhịp. Và từ lâu họ cũng xếp ký ức tuổi trẻ sôi động của mình trong không gian nhỏ hẹp của những câu chuyện bạn bè mỗi dịp hàn huyên ít ỏi. Chỉ mới bắt đầu từ 2 năm trước, khi họ nhóm họp lại với nhau để lập “báo cáo thành tích” cho ông Huỳnh Bá Thành, cố Tổng Biên tập Báo Công an TPHCM và gần đây cho Thiếu tướng Huỳnh Huề thì những ký ức xa xưa mới dần tái hiện rõ ràng hơn. Chúng tôi đã giới thiệu sơ lược về họ qua 2 loạt bài “Những người “xúi” Dương Văn Minh đầu hàng” (2009) và “Người Quảng trong dinh Độc Lập” (2010) và nay là “Chuyên viên đặc nhiệm”. Nhưng tất cả những gì đã được in trên mặt báo Công an TP Đà Nẵng cũng chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện sinh động và lớn lao. Lịch sử, đôi khi cần phải có một khoảng lùi mới nhìn rõ được. Lịch sử Cụm Điệp báo A10 dường như cũng thế, và có lẽ cũng cần như thế.

Nguyễn Lê Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào:

 
Support : Huynh Hue A10 | Creating Website | Điệp báo A10 | Huynh Hue A10 | Huynh Hue A10
Copyright © 2011. Điệp báo A10 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Modify by Huynh Hue A10
Proudly powered by Blogger