Huỳnh Huề_Vị Tướng giữa đại ngàn Tây nguyên…

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

“CHUYÊN VIÊN ĐẶC NHIỆM”_Kỳ 1: Trong giờ phút lịch sử


Ngô Văn Dũng năm 1968 (ảnh chụp lại từ giấy khám sức khỏe).
Kỳ 1: Trong giờ phút lịch sử

Trong giai đoạn từ đầu năm 1973 đến khi kết thúc cuộc chiến tranh, Cơ quan An ninh T.Ư (ANT.Ư) Cục miền Nam đều nhận được báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Đó là những tin tức, số liệu, phân tích, đánh giá mang tầm chiến lược, xếp vào hàng tuyệt mật mà nhiều quan chức cao cấp trong chế độ ngụy quyền Sài Gòn không phải ai cũng được “sờ” tới. Nhưng đều đặn hằng tháng, có khi hằng tuần, có khi đột xuất, và có khi ngay cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chưa biết thì ANT.Ư Cục đã nắm trong tay rồi! Nhân vật chính của câu chuyện này là một người Đà Nẵng, ông Ngô Văn Dũng - nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND Q. Hải Châu kiêm Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, người vừa nhận sổ hưu cách đây vài tháng. Trước kia, khi mới ngoài 20 tuổi, ông là một trong những người thân cận trong nhóm “chuyên viên đặc nhiệm” của Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế kiêm Bộ trưởng Bộ Canh nông và Kỹ nghệ (CN&KN) chế độ ngụy quyền Sài Gòn, nắm giữ thông tin chi tiết về mọi nguồn lực của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, để “gửi cho anh Huề, người đồng hương xứ Quảng”. 


Trước giờ những chiếc xe tăng của quân giải phóng tiến vào sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, người ta thấy một thanh niên đi lại như con thoi giữa các cơ quan hành chính, kinh tế đầu não ở Sài Gòn, từ Văn phòng Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế, Bộ CN&KN, Bộ Thương mại và Tiếp tế đến Ngân hàng Quốc gia (NHQG) Việt Nam… Với tư cách là thành viên nhóm “chuyên viên đặc nhiệm” của Phó Thủ tướng và với nhiệm vụ của trên giao, anh phải thường xuyên có mặt ở các cơ quan này trong những giờ phút cuối cùng của nó. Anh phải bảo đảm rằng tại các nơi này không bị xâm phạm (phá hủy tài liệu, tẩu tán tài sản) trước lúc bàn giao, đặc biệt là những nơi có khối tài sản lớn như NHQG, số nhà 17-Bến Chương Dương, Sài Gòn.

Chàng thanh niên năm xưa nay đã là “ông hưu trí” Ngô Văn Dũng. Nhưng cũng chưa hưu hẳn, bởi ngay sau khi nghỉ theo chế độ, ông về làm chuyên trách công tác Đảng và tư vấn cho Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Ông kể: “Mấy hôm trước lúc giải phóng, tôi nhận lệnh phải ăn ngủ tại chỗ trong lúc Sài Gòn bắt đầu hỗn loạn, để theo dõi sát sao tình hình, chủ yếu là giữ gìn nguyên vẹn tài liệu, tài sản để mai mốt bàn giao. Ở các cơ quan hành chính đầu não thì không lo, vì những ngày này hầu như còn rất ít người đến và tài liệu, tài sản thì còn nguyên vẹn. Tôi lo nhất là ở trụ sở NHQG, nơi cất giữ hơn 16 tấn vàng, trị giá mấy trăm triệu USD mà trước đó dư luận, báo chí trong và ngoài nước râm ran là Nguyễn Văn Thiệu đã chuyển ra khỏi đất nước”.


Ông Ngô Văn Dũng (hàng trước, thứ 6 từ trái sang) tại Đại hội Đảng bộ Q. Hải Châu nhiệm kỳ 2000-2005.

Trên thực tế thì Ngô Văn Dũng không liên quan trực tiếp đến câu chuyện 16 tấn vàng, nhưng anh nắm rất rõ mọi thông tin về nó, kể cả những vấn đề bí mật nhất. Người thực sự liên quan đến số tài sản này là GS.TS Nguyễn Văn Hảo - Phó Thủ tướng đặc trách phát triển kinh tế kiêm Bộ trưởng Bộ CN&KN trong Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Ở đây có một câu chuyện khá rối rắm, đã tốn nhiều giấy mực cả trong và ngoài nước nhiều năm sau ngày giải phóng, đó là chuyện 16 tấn vàng. Nay, với những tài liệu được công bố và qua lời kể của ông Ngô Văn Dũng thì có thể tóm lược như sau: Vào những ngày suy tàn cuối cùng, nhiều nhân vật chủ chốt trong Dinh Độc lập định chuyển 16 tấn vàng ra nước ngoài. Nhưng chưa chuyển được thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, dưới sức ép của Mỹ, buộc phải từ chức, Trần Văn Hương lên thay.

Trần Văn Hương và nhóm Nghị sĩ theo đuổi đường lối cứng rắn cũng có ý định đưa vàng ra nước ngoài. Nhưng ngay trong buổi lễ tấn phong Trần Văn Hương thì nhóm Nghị sĩ đối lập theo đường lối ôn hòa đã cướp micro và tuyên bố tấn phong Đại tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống. Chưa biết thái độ của Đại tướng Dương Văn Minh đối với 16 tấn vàng thế nào, nhưng tại thời điểm quyết định đó, ông Nguyễn Văn Hảo đã can ngăn quyết liệt việc chuyển vàng ra nước ngoài. Cùng lúc đó ông Nguyễn Văn Hảo cũng đã gặp một số lãnh đạo của ta có mặt ở Sài Gòn để nói chuyện. Và nhờ đó mà 16 tấn vàng được giữ nguyên tại NHQG để bàn giao cho Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định trong tháng 5-1975 (riêng về mối quan hệ giữa Ngô Văn Dũng và Phó Thủ tướng chế độ ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Hảo chúng tôi sẽ đề cập sau).

Ông Ngô Văn Dũng kể về thời khắc lịch sử những ngày cuối tháng 4-1975: “Mấy hôm đó, anh Huề - Cụm phó Cụm Điệp báo A10 chỉ thị cho tôi phải tìm mọi cách cố gắng bảo toàn các cơ quan đầu não về kinh tế để bàn giao nguyên vẹn. Tình hình tiến triển rất nhanh, tôi thì không nắm rõ tình hình quân ta lắm, chỉ tin chắc là chiến thắng đã gần kề. Tôi vận động một số ít anh em chuyên viên còn ở lại, những người còn đến cơ quan sau ngày 24-4 (là những người tin tưởng chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời, không di tản) sắp xếp tài liệu yên tâm chờ đợi diễn biến tình hình. Những ngày này tôi thường xuyên qua lại các cơ quan đầu não này để kiểm tra tình hình. Ngày 29-4, đi một vòng kiểm tra tình hình ở một số bộ thấy yên ổn, chiều vòng qua NHQG, cửa vẫn đóng kín và vẫn có người túc trực. Tôi trở về ngủ tại Bộ Thương mại và Tiếp tế (TM&TT) ở số 59-Gia Long yên tâm chờ đợi thời khắc lịch sử”.

- Lúc đó ở Văn phòng Phó Thủ tướng, các bộ có còn ai nữa không, thưa ông? - Hồi đó, tổ chức các cơ quan đầu não về kinh tế rất tinh gọn, như Bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế Quốc gia (KH&PTKTQG), Bộ TM&TT chỉ 50-60 người, toàn bộ bộ phận quản lý Nhà nước ngành Công nghiệp trong Bộ CN&KN chỉ 30-40 người. Trước ngày giải phóng 30-4 hơn 10 ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo có tâm sự với thuộc cấp, công bố kế hoạch di tản. Ông mong mọi người suy nghĩ kỹ việc đi hay ở lại. Còn riêng ông thì xác định sẽ ở lại dù tình hình diễn biến như thế nào đi chăng nữa. Do vậy, từ sau ngày 25-4, số người đến các cơ quan này còn rất ít, nhất là những người có trình độ, chức vụ. Đến ngày 28 và 29-4 một số nơi khóa cửa không có người, một số nơi chỉ còn người gác bảo vệ. Thực tình lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về chuyện ai còn, ai không còn ở lại, chỉ thấy nhiệm vụ giao cho mình là phải tìm mọi cách cố gắng bảo toàn các cơ quan đầu não về kinh tế như vậy là đã hoàn thành”.

Sáng 30-4-1975, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong tiếng hò reo vang dậy và rợp bóng cờ. Buổi trưa, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn chính thức tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Ngô Văn Dũng vẫn đang túc trực ở Văn phòng Phó Thủ tướng, Bộ CN&KN. Chính nơi đây, trong vai một “chuyên viên đặc nhiệm” anh đã thu thập hàng nghìn trang tài liệu tuyệt mật về kinh tế, viện trợ, về các chiến lược phát triển của chế độ ngụy quyền Sài Gòn để chuyển cho tổ chức. Anh thuộc mọi ngõ ngách của các nơi này cũng như sự vận hành của nó, mà trên danh nghĩa anh cũng đã trở thành một phần của nó. Nhưng hôm nay, cũng tại đây, anh “bước ra” với vai trò hoàn toàn mới: Thành viên Cụm Điệp báo A10 thuộc lực lượng An ninh Sài Gòn - Gia Định (T4), Ban ANT.Ư Cục miền Nam.


Nguyễn Lê
Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào:

 
Support : Huynh Hue A10 | Creating Website | Điệp báo A10 | Huynh Hue A10 | Huynh Hue A10
Copyright © 2011. Điệp báo A10 - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Modify by Huynh Hue A10
Proudly powered by Blogger